CÁC DẠNG ĐỀ SO SÁNH


CÁC DẠNG ĐỀ SO SÁNH
Đề 1. Hình ảnh người lính qua hai tác phẩm: Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.
a. Mở bài
- Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính là hai trong số những bài thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
- Thành công của hai bài thơ này là đã khắc họa hết sức sinh động và chân thực hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong hai thời kỳ gian khổ và hào hùng của dân tộc ta.
b. Thân bài
1. Hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ Đồng chí:
- Bài thơ thể hiện tình đồng chí cao cả của những người cùng chung cảnh ngộ và lý tưởng chiến đấu, cùng chung những khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến, là tình thương của những người tri âm, tri kỷ.
- Các anh chỉ có một chút khác biệt là mỗi người một miền quê khác nhau, ở họ có rất nhiều điểm chung, nhiều nét tương đồng:
+ Cùng cảnh ngộ, cùng giai cấp xuất thân, chiến đấu trên một chiến hào.
+ Để lại quê hương những tình cảm yêu thương, gắn bó.
+ Cùng chung chịu những khó khăn gian khổ nơi chiến trường.
+ Cùng mang ý chí và tâm hồn Việt Nam.
2. Hình ảnh anh Bộ đội trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính:
- Vẻ đẹp anh bộ đội thời chống mỹ đã thể hiện ở thái độ, tình cảm, tâm hồn, khí phách, khí thế mới mang tính thời đại của những con người không phải chờ giặc tới mà là tìm giặc để đánh.
+ Thái độ bất chấp gian khổ, khó khăn: xe bị giặc đánh không còn kính, không đèn, không mui, bị xước, …nhưng xe vẫn tiến ra tiền tuyến.
+ Tư thế hiên ngang. Kẻ thù phá hỏng kính xe, làm cho người không dễ dàng quan sát để lái xe, nhưng người lính vẫn tiến lên về phía trước và nhìn rõ mọi vật bằng con tim nhiệt tình cách mạng, sục sôi ý chí chiến đấu: nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng,… nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim.
+ Tình cảm, tâm hồn lạc quan, yêu đời, yêu đồng đội:
“Ung dung buồng lái ta ngồi”, “không cần rửa phì phèo châm điếu thuốc”, “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.
+ Khí thế tiến công, quyết chiến, quyết thắng:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội”
“Lại đi, lại đi trời xanh thêm”
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước.
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
3. Điểm giống nhau:
- Dẫu là hai thời kỳ khác nhau nhưng hình ảnh trong hai bài thơ vẫn là hình ảnh cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ.
- Mục tiêu chiến đấu: vì độc lập, tự do, vì nền hòa bình của đất nước.
- Tinh thần chiến đấu: dũng cảm kiên cường.
- Tình cảm đồng đội: tình đồng chí, đồng đội sâu sắc.
4. Điểm riêng:
- Bài Đồng chí dựng lên một tượng đài về người lính trong kháng chiến chống Pháp – những người nông dân ra lính với cuộc đời quân ngũ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
- Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một bức phù điêu gồm những gương mặt trẻ, tếu táo, tinh nghịch, ý chí mạnh mẽ trong đoàn quân trẩy hội chiến trường bởi vì cuộc kháng chiến chống Mỹ là sự góp sức của học sinh, sinh viên, trí thức,… tuổi đời còn trẻ, ý thức về nhiệm vụ, bổn phận đối với đất nước rất lớn lao.
c. Kết bài
- Hai bài thơ ở hai giai đoạn văn học khác nhau nhưng đều hoàn thành một cách xuất sắc sứ mệnh thi ca sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thể hiện nhân vật trung tâm thời đại một cách cao đẹp – anh bộ đội Cụ Hồ.
- Họ là những người lính cùng chiến đấu cho hòa bình và độc lập tự do cho dân tộc với tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Họ đều là những con người giàu lòng yêu nước, yêu quê hương, có tình đồng chí đồng đội sâu nặng, bền vững.
Đề 2. So sánh hai hình ảnh “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” trong Đồng chí của Chính Hữu và “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ đi rồi” trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. 
a. Mở bài
- Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật là hai trong số những bài thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
- Thành công của hai bài thơ này là đã khắc họa hết sức sinh động và chân thực hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong hai thời kỳ gian khổ và hào hùng của dân tộc ta.
- Đi xuyên qua hai bài thơ, người đọc thường cảm thấy lòng ấm lên, trìu mến với hình ảnh “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” trong Đồng chí của Chính Hữu; và cũng dường như chịu sự lan tỏa đầy thân thiện, hồ hỡi trong cái “bắt tay nhau qua cửa kính vỡ đi rồi” trong Bài thơ về tiểu đội xa không kính của Phạm Tiến Duật.
b. Thân bài
1. Cái nắm tay trong “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”:
- Những người lính trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu đại diện cho hình ảnh người lính Cụ Hồ trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Họ vốn là những người nông dân mặc áo lính nên tình cảm cũng chất phác và đắm thắm như chính bản chất của người nông dân Việt Nam.
- Bài thơ Đồng chí được đặt trên phông nền hiện thực đầy khắc nghiệt, lạnh lẻo: “rừng hoang”, “sương muối”, “giặc tới”, “áo rách vai”, “quần vài mảnh vá”,… nhưng hơi ấm để giữ gìn cho sự sống bài thơ lại là chất lãng mạn, hoang sơ quyện với tình người ấm áp. Đó là tình đồng chí đồng đội được thể hiện một cách chân thành, trìu mến:
“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
+ Họ thương nhau vì thông cảm, thấu hiểu được hoàn cảnh của nhau: “ruộng nương anh gửi bạn thân cày, Gian nhà không mặc kệ gió lung lay, Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.
+ Họ thương nhau vì cùng nhau trãi qua những gian khổ, hiểm nguy trong chiến tranh: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh, Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi, …”
- “Tay nắm lấy bàn tay” từ “tay” được lặp lại hai lần như sóng đôi, như hòa quyện. Chân thành, dịu dàng, đằm thắm. Cái nắm tay đó đến thật tự nhiên như phòng vệ của cơ thể trước những nghịch cảnh môi trường. Nó cho thấy tình cảm của họ, những người đồng chí đối với nhau thật tự nhiên. Như hơi thở, như máu chảy về tim.
2. Cái bắt tay trong “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ đi rồi”:
- Khác với anh bộ đội trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật là những người thanh niên sinh viên, học sinh, trí thức,… Họ mang trong mình dòng máu sôi nổi, ngang tang của tuổi trẻ nên cách họ thể hiện tình cảm với nhau cũng thật trẻ trung, vồn vã.
- Ở đây phông nền của bài thơ không còn “tĩnh” và rét mướt như trong bài thơ Đồng chí nữa mà nó ồn ào, râm ran với tiếng cười, tiếng xe trong tư thế “dọc đường đi tới”
- Bối cảnh là “động” nên cách mà những người lính thể hiện tình cảm với nhau cũng xởi lởi, thân thiện đầy hào khí. Cái bắt tay đã nói lên được điều ấy.
- Qua khung cửa kính đã vỡ đi rồi tượng trưng cho hiện thực khốc liệt của chiến tranh, những người lính lái xe đã đi xuyên qua cái khốc liệt ấy bằng cái bắt tay thân mật, mạnh mẽ và cũng rất đỗi chân thành.
- Cái bắt tay của những người lính ngoài sự thể hiện tình cảm cho nhau, nó còn như là một lời động viên, một lời chúc mừng, một sự thể hiện ý chí chiến đấu đến cùng cho lý tưởng phía trước.
• Chốt lại:
Cả hai cái “nắm tay” và “bắt tay” ấy tuy khác nhau về không gian, thời gian nhưng lại cùng nhịp đập trái tim của những người lính. Chính trái tim ấy đã đốt lên ngọn lửa của hy vọng, của sức mạnh, ý chí và nghị lực để họ, những người lính Cụ Hồ đã tự tạc nên cho mình một tượng đài nghệ thuật đến muôn đời về hình tượng người lính Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
c. Kết bài
- Có thể nói cả Chính Hữu lẫn Phạm Tiến Duật đều đã thành công khi vẽ những “bàn tay” ấy bằng thơ. Những bàn tay ấy với những cái xiết tay của họ đã đi vào thơ ca, đi vào lịch sử dân tộc một cách hào hùng, nhưng cũng không kém phần thơ mộng.
Đề 3. Biểu tượng hình ảnh: “Đầu súng trăng treo” trong Đồng chí của Chính Hữu và hình ảnh ánh trăng trong Ánh trăng của Nguyễn Duy.
a. Mở bài
- Không biết từ bao giờ,vầng trăng đã đi vào thơ ca như một biểu tượng sống động. Là nguồn cảm hứng gần như vô tận của các thi nhân, thi sĩ. Mỗi người một cách cảm thụ, suy nghĩ và vận dụng ánh trăng trong tác phẩm của mình nhằm thể hiện dụng ý nghệ thuật khác nhau.
- Trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những ánh trăng lung linh như thế. Phải nói đến trong số ấy là những vầng trăng người lính mà hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và hình ảnh ánh trăng trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy là những điển.
b. Thân bài
1. Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong thơ Chính Hữu:
- “Đầu súng trăng treo” là câu kết trong bài thơ Đồng chí, cũng là một biểu tượng đẹp về người chiến sĩ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.
- Trong đêm phục kích giữa rừng, bên cạnh hình ảnh thực là súng, là nhiệm vụ chiến đấu tạo nên con người chiến sĩ thì cái mộng, cái trữ tình là trăng.
- Hình ảnh trăng tạo nên con người thi sĩ. Hình ảnh chiến sĩ, thi sĩ hài hòa với nhau trong cuộc đời người lính cách mạng.
- Hai hình ảnh tưởng đối lập nhau đặt cạnh nhau tạo ra ý nghĩa hòa hợp vô cùng độc đáo. Súng là chiến đấu gian khổ, hy sinh, là hiện thực. Còn trăng là tượng trưng cho hòa bình, gợi lên sự đẹp đẽ thơ mộng, dịu dàng và lãng mạn.
- Người lính cầm súng để bảo vệ hòa bình, khát khao hòa bình, không ngại gian khổ hy sinh nhưng xét về phương diện tinh thần, tình cảm thì đây là cuộc chiến mang vẻ đẹp chính nghĩa, vẻ đẹp của lòng yêu nước. Súng và trăng: Cứng rắn, dịu hiền, chiến sĩ và thi sĩ, có người còn gọi đây là một cặp đồng chí.
- Chính Hữu đã thành công với hình ảnh “Đầu súng trăng treo” – Một biểu tượng thơ giàu sức gợi cảm. Tác giả đã từng nói: “Trong chiến dịch nhiều đêm có trăng, đi phục kích trong đêm trước mắt tôi chỉ có ba nhân vật: Khẩu súng, vầng trăng và người bạn chiến đấu. Ba nhân vật quyện vào nhau tạo ra hình ảnh “đầu súng trăng treo”.
- “Đầu súng trăng treo” đã trở thành một biểu tượng đẹp của người lính cách mạng Việt Nam hiện thực và lãng mạn, chiến sĩ và thi sĩ.
2. Hình ảnh ánh trăng của Nguyễn Duy:
- Ánh trăng của Nguyễn Duy không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước mà còn gắn bó với tuổi thơ, với những ngày kháng chiến gian khổ.
- Hình ảnh trăng bắt đầu gắn với cuộc sống bình thường của con ngừơi và vầng trăng thời chiến tranh: đầy ắp những kỷ niệm về vầng trăng trải rộng trên một thiên nhiên với sông, với đồng, với bể,… Thời chiến tranh máu lửa, vầng trăng đã trở thành tri kỷ với người lính. Vầng trăng là biểu tượng đẹp của những năm tháng ngỡ không bao giờ quên.
- Thật đáng sợ là sự thay đổi của lòng người. Từ ở rừng, sau chiến thắng về thành phố, được sống cuộc sống tiện nghi: ở buyn đinh, quen ánh điện, cửa gương… và vầng trăng tình nghĩa tri kỷ đã bị người tri kỷ lãng quên, dửng dưng. Trăng được nhân hóa, lặng lẽ đi qua đường, như người dưng, chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay.
- Bất ngờ gặp một tình huống của nhịp sống thành thị: “thình lình đèn điện tắt”. Vầng trăng xưa xuất hiện, vẫn tròn vẫn đẹp, vẫn thủy chung với người.
- Cả một quá khứ đẹp và tình nghĩa ùa về rưng rưng trong lòng người lính, còn trăng thì im lặng.
- Người lính giật mình, cái giật mình của người lính trước sự im lặng của trăng xưa hiện về nơi thành phố hôm nay là một biểu tượng nghệ thuật mang tính hàm nghĩa độc đáo. Đó là sự bao dung, độ lượng, nghĩa tình, thủy chung của nhân dân, sự trong sáng mà không hề đòi hỏi được đền đáp.
- Đây chính là phẩm chất cao đẹp của nhân dân mà tác giả muốn ngợi ca, tự hào.
- Cũng là thông điệp hãy biết nhớ về quá khứ tốt đẹp, không nên sống vô tình. Đó chính là ý nghĩa sâu sắc của hình ảnh ánh trăng trong bài thơ của Nguyễn Duy tự nhắc nhủ mình và muốn gửi gắm
• Chốt lại:
- Cả hai vầng trăng trên đều mang nét đẹp nghệ thuật về người lính trong chiến tranh và sau khi chiến tranh đã đi qua. Nói một cách khác hơn, nếu Nguyễn Duy duy đột ngột bắt gặp ánh trăng giữa bầu trời thành phố rồi hồi tưởng về quá khứ thì vầng trăng của Chính Hữu chính là quá khứ ấy. Một quá khứ mà hiện thực khốc liệt quyện tròn với chất lãng mạn đầy thi vị và tình nghĩa.
c. Kết bài
- Dù ở góc độ nào, hoàn cảnh nào, tâm trạng nào thì hai tác giả cũng đã thành công cùng với vầng trăng của mình. Họ đã cảm thụ được trăng, sống với trăng, đã chiêm nghiệm và thẩm thấu được những giá trị tinh thần qua vầng trăng thiên nhiên. Để rồi, họ đã cùng nhau viết nên những vầng thơ cũng lung linh, huyền ảo, cũng đầy ắp nghĩa tình như chính vầng trăng tự trên cao.
Đề 4. Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải viết: “Ta làm con chim hót - Ta làm một cành hoa”. Kết thúc bài Viếng lăng Bác, Viễn Phương viết: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt – Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác.
Hai bài thơ, hai tác giả viết đề tài khác nhau nhưng có chung chủ đề, hãy chỉ ra tư tưởng chung đó. 
* Gợi ý:
- Khác nhau :
+ Thanh Hải viết về đề tài thiên nhiên đất nước và khát vọng hoà nhập dâng hiến cho cuộc đời.
+ Viễn Phương viết về đề tài lãnh tụ, thể hiện niềm xúc động thiêng liêng, tấm lòng tha thiết thành kính khi tác giả từ Miền nam vừa được giải phóng ra viếng lăng Bác.
- Giống nhau :
+ Cả hai đoạn thơ đều thể hiện ước nguyện chân thành, tha thiết được hoà nhập, cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước, nhân dân… Ước nguyện khiêm nhường, bình dị muốn được góp phần dù nhỏ bé vào cuộc đời chung.
+ Các nhà thơ đều dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên là biểu tượng thể hiện ước nguyện của mình.
Đề 5. Vẻ đẹp trong lối sống, tâm hồn của nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long và nhân vật Phương Định trong “Những ngôi sao xa xôi” của Nguyễn Minh Khuê. 
Gợi ý:
a. Giới thiệu sơ lược vềđề tài viết về những con người sống, cống hiến cho dất nước trong văn học. Nêu tên 2 tác giả và 2 tác phẩm cùng nhưngc vẻ đẹp của anh thanh niên và Phương Định.
b. Vẻ đẹp của 2 nhân vật trong hai tác phẩm :
* vẻ đẹp trong cách sống :
+ Nhân vật anh thanh niên: trong Lặng lẽ Sa Pa - Hoàn cảnh sống và làm việc: một mình trên núi cao, quanh năm suốt tháng giữa cây cỏ và mây núi Sa Pa. Công việc là đo gió, đo mưa đo năng, tính mây, đo chấn động mặt đất…
- Anh làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, cụ thể, tỉ mỉ, chính xác, đúng giờ ốp thì dù cho mưa tuyết, giá lạnh thế nào anh cũng trở đậy ra ngoài trời làm việc đúng giờ quy định.
- Anh đã vượt qua sự cô đơn vắng vẻ quanh năm suốt tháng trên đỉnh núi cao không một bóng người.
- Sự cởi mở chân thành, quý trọng mọi người, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. - Tổ chức sắp xếp cuộc sống của mình một cách ngăn nắp, chủ động: trồng hoa, nuôi gà, tự học…
+ Cô xung phong Phương Định:
- Hoàn cảnh sống và chiến đấu: ở trên cao điểm giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung nhất bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt. Công việc đặc biệt nguy hiểm: Chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình trong vùng máy bay địch bị bắn phá, ước lượng khối lượng đất đá, đếm bom, phá bom.
- Yêu mến đồng đội, yêu mến và cảm phục tất cả những chiến sĩ mà cô gặp trên tuyến đường Trường Sơn.
- Có những đức tính đáng quý, có tinh thần trách nhiệm với công việc, bình tĩnh, tự tin, dũng cảm…
* Vẻ đẹp tâm hồn:
+ Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa:
- Anh ý thức về công việc của mình và lòng yêu nghề khiến anh thấy được công việc thầm lặng ấy có ích cho cuộc sống, cho mọi người.
- Anh đã có suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc và những đóng góp của mình rất nhỏ bé.
- Cảm thấy cuộc sống không cô dơn buồn tẻ vì có một nguồn vui, đó là niềm vui đọc sách mà lúc nào anh cũng thấy như có bạn để trò chuyện.
- Là người nhân hậu, chân thành, giản dị.
+ Cô thanh niên Phương Định:
- Có thời học sinh hồn nhiên vô tư, vào chiến trường vẫn giữ được sự hồn nhiên.
- Là cô gái nhạy cảm, mơ mộng, thích hát, tinh tế, quan tâm và tự hào về vẻ đẹp của mình.
- Kín đáo trong tình cảm và tự trọng về bản thân mình. Các tác giả miêu tả sinh động, chân thực tâm lí nhân vật làm hiện lên một thế giới tâm hồn phong phú, trong sáng và đẹp đẽ cao tượng của nhân vật ngay trong hoàn cảnh chiến đấu đầy hi sinh gian khổ.
c. Đánh giá, liên hệ.
- Hai tác phẩm đều khám phá, phát hiện ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam trong lao động và trong chiến đấu.
- Vẻ đẹp của các nhân vật đều mang màu sắc lí tưởng, họ là hình ảnh của con người Việt Nam mang vẻ đẹp của thời kì lịch sử gian khổ hào hùng và lãng mạn của dân tộc. Liên hệ với lối sống, tâm hồn của thanh niên trong giai đoạn hiện nay.

Không có nhận xét nào: