Văn học Việt Nam là sản phẩm tinh thần của Việt Nam. Bên cạnh những điểm chung của nền văn học nước nhà, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có những đặc điểm bản sắc riêng tạo nên một nền văn học thống nhất mà đa dạng.
Quá trình văn học Việt Nam gắn liền với quá trình lịch sử- chính trị-văn hóa- xã hội của đất nước. Nhìn chung có thể chia làm ba thời kỳ lớn:
_ Từ TK X đến hết TK XIX
_ Từ đầu TK XX đến CMT8 năm 1945
_ Từ CMT8 1945 đến hết TK XX.
Văn học từ TK X đến hết TK XIX còn gọi là Văn học Trung đại hình thành trên nền văn hóa lịch sử của khu vực Đông Á.Có quan hệ giao lưu với các nền văn học khu vực.Đặc biệt là nền văn học Trung quốc.
Hai thời kỳ sau, tuy có một số đặc điểm riêng nhưng đều nằm trong một xu hướng phát triển chung của quá trình hiện đại hóa văn học nên có thể gọi chung là Văn học hiện đại.
Văn học hiện đại hình thành và phát triển trong bối cảnh giao lưu văn hóa, văn học ngày càng mở rộng."Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ"(Hoài Thanh). Từ chỗ chỉ tiếp xúc, giao lưu với văn học các nước trong khu vực, văn học Việt Nam đã tiếp nhận thêm tinh hoa của nhiều nền văn học trên thế giới để đổi mới.
Mỗi thời kỳ văn học vận động qua mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, chịu sự ảnh hưởng của lịch sử- văn hóa- chính trị- xã hội của từng giai đoạn. Mặc dù có sự truyền thừa về những truyền thống lớn của dân tộc như chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo nhưng giữa văn học trung đại và văn học hiện đều có những khác biệt quan trọng.
Sử dụng chữ viết là chữ Hán và chữ Nôm
Người Việt đã tiếp xúc với chữ Hán từ rất lâu.Trong thời bắc thuộc đã có những người thi đỗ làm quan cho triều đình nhà Hán nhưng những sáng tác của họ chưa đủ để làm nên một nền văn học,mãi đến thế kỷ thứ X khi dân ta giành được chủ quyền dân tộc thì nền văn học nước nhà mới bắt đầu hình thành. Bằng chữ Hán, dân ta đã truyền nhập các luồng tư tưởng lớn như tư tưởng Phật Giáo, Lão Trang, Nho Giáo, cùng nhiều quan niệm triết học, chính trị, thẩm mỹ...văn học trung đại cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ các học thuyết này. Song song đó các thể loại văn học như thơ, truyền kỳ, tiểu thuyết chương hồi...cũng được truyền vào. Chữ Hán được sử dụng rộng rãi và chính thống mãi cho đến TK XVIII mặc dù chữ Nôm đã phát triển nhưng chữ Hán vẫn đóng một vai trò căn bản.
Chữ Nôm đã phát triển từ lâu nhưng bắt đầu phát triển mạnh vàoTK XV và đỉnh cao là TK XVIII. Chữ Nôm là kết quả phát triển của văn học dân tộc, Là minh chứng hùng hồn cho ý chí xây dựng một nên văn hiến độc lập của dân tộc. Bằng chữ Nôm ông cha ta đã tiếp thu một cách chủ động sáng tạo các thể thơ nước ngoài và tạo nên các thể thơ riêng của dân tộc như lục bát, song thất lục bát,nhờ có chữ Nôm các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ bác học trở nên gần gũi với đời sống người dân lao động hơn. So với chữ Hán thì chữ Nôm tiếp nhận ảnh hưởng văn học dân gian toàn diện, sâu sắc hơn.